Quan hệ với Đức Phật Tần-bà-sa-la

Khi thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm thoát ly cuộc sống trần tục, vị sa-môn trẻ đã từng đi đến thành Vương-xá (Rājagḱha) của Ma-kiệt-đà (Magadha). Một lần vua Tần-bà-sa-la trông thấy đạo sĩ Tất-đạt-đa Cồ-đàm đi khất thực trên đường phố Vương-xá trong bộ dạng từ tốn. Trong thấy tướng mạo oai nghi và tư cách trang nghiêm sang trọng của đạo sĩ, nhà vua lấy làm cảm kích và ông sai người đi dò thăm. Khi được biết rằng thừa bữa, sau khi độ ngọ thì vị đạo sĩ ngụ tại Pandavapabbata, ông cùng đoàn tùy tùng tới viếng đạo sĩ để hỏi thăm. Khi được hỏi thăm về thân thế, nơi chốn, đạo sĩ Tất-đạt-đa Cồ-đàm trả lời:

Ngay phía trước đây, tâu đại vương, trên vùng Himālaya, trong châu thành Kosala của những gia tộc cổ kính, một quốc gia trường thịnh và phong phú, tôi xuất thân từ triều đại Thái-dương, dòng Thích-ca. Tôi không luyến ái, chạy theo nhục dục ngũ trần. Nhận thức được hiểm họa của vui thú vật chất và thấy an toàn trong đời sống xuất gia, tôi đi tìm cái cao quý nhất và tâm tôi được an lạc.[2]

Vua Tần-bà-sa-la cung thỉnh đạo sĩ Cồ-đàm sau khi chứng được đạo quả, sẽ trở lại viếng thăm vương quốc Ma-kiệt-đà.

Đúng như lời hứa, sau khi thành tựu giác ngộ, nhà hiền triết Tất-đạt-đa Cồ-đàm tức Phật Thích-ca Mâu-ni đã đi cùng các đệ tử A-la-hán từ Gaya đến hóa độ thị dân Vương-xá. Tại đây, Phật cư ngụ trong một khu rừng gần điện Suppatittha.

Khi biết tin Phật đã trở lại kinh thành, Vua Tần-bà-sa-la liền dẫn vương hậu, thái tử, bá quan văn võ và hàng trăm giáo sĩ Bà-la-môn đến khu rừng để yến kiết nhà lãnh đạo tâm linh mới nổi này. Nghe Phật thuyết giảng, tâm tư quốc vương bừng sáng, bao nhiêu nghi nan chất chứa trong lòng bấy lâu đã bị giải tỏa. Ông sụp lạy Phật và thưa rằng:

Bạch Thế Tôn! Thuở nhỏ trẫm có năm điều ước nguyện. Thứ nhất là được lên ngôi Vua; thứ hai là được gặp một thầy giác ngộ; thứ ba là có duyên may được kính ngưỡng vị giác ngộ ấy, thứ tư là được vị giác ngộ ấy dạy cho con đường chân chính; thứ năm là mình có đủ khả năng lãnh hội được giáo pháp do vị giác ngộ ấy chỉ dạy. Bạch Thế Tôn! Đến hôm nay thì cả năm điều ước ấy đều thành sự thật. Trẫm đã lãnh hội được giáo lý mà ngài vừa dạy. Xin Thế Tôn thương xót nhận trẫm làm đệ tử tại gia của ngài!

Đề xuất này được vị đạo sư vui vẻ chấp thuận. Sau đó, nhà vua lại thỉnh Phật và hàng ngàn tăng chúng tháp tùng vào vương cung để thọ lễ trai tăng do đích thân ông và vương hậu tổ chức cúng dường. Có cả sáu nghìn tân khách được nhà vua mời đến cùng tham dự lễ. Sau lễ trai tăng, Phật thuyết pháp trước vua quan và tân khách.

Vua Tần-bà-sa-la nhận thấy khu vườn Trúc Lâm (Veluvana) của ông chứa đựng những yếu tố then chốt của một nơi an cư lý tưởng cho Tăng đoàn, nên ông đã phát tâm cúng dường Phật và chư tăng khu rừng tre này, được gọi là "nơi trú ẩn của loài sóc" này. Khu rừng này không có nhà cửa lều cốc cho Phật và chư tăng, nhưng lại có nhiều cây to che bóng mát và chỗ ẩn dật kín đáo..[3] Tại đây, giáo đoàn đã xây cất một tu viện đặt tên là Tịnh xá Trúc Lâm. Tại tu viện yên tĩnh này Phật nhập Hạ một lần ba năm liên tiếp và ba lần khác, vào ba Hạ xa cách nhau. Vua Tần-bà-sa-la rất siêng đến đây thăm Phật và nghe Phật pháp, và cho xây tại tu viện một giảng đường có thể chứa hơn 2000 người ngồi nghe Phật pháp.

Sau khi quy y, Tần-bà-sa-la đời gương mẫu của một đế vương. Theo sách "Đức Phật và Phật pháp" của hòa thượng Narada (1980), nhà vua đã hành trì tám giới (bát quan) trong sáu ngày giới (uposatha) một cách nghiêm chỉnh.